Rút kinh nghiệm kiểu… sinh viên Mỹ!

Hơn năm năm làm việc ở vị trí tiếp nhận và thực hiện các hoạt động trao đổi với sinh viên Mỹ dạng tình nguyện viên sang Việt Nam, tôi đã tự hỏi sao tụi sinh viên có thể kiên nhẫn nghiêm túc “rút kinh nghiệm” cho đến tận khuya; hay có khi là một buổi họp gọi là để “rút kinh nghiệm” nhưng thực ra lại là cùng nhau chơi với màu vẽ, với các loại thẻ bài, có khi còn chơi lego… Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra? 

Ký ức của những cuộc họp “rút kinh nghiệm” mỏi mòn dài hàng tiếng đồng hồ từ trong nhà ra đến trường học đã khiến não tôi tự động tê liệt mỗi khi bước vào một cuộc họp tổng kết. Dù rằng khi làm hoạt động thật sôi nổi, đến khi kết thúc chương trình ai nấy đều chỉ mong “nói nhanh nói gon rồi đi về”. Cái tâm lý này dẫn đến sự thờ ơ suy nghĩ về những trải nghiệm sự kiện mình đi qua để rồi lần sau làm chương trình lại vấp ngay cái “lỗi” lần trước.

Mãi cho đến gần đây khi tình cờ có dịp tìm hiểu về chữ Reflection (tạm dịch phản tư, suy ngẫm) trong tiếng Anh, tôi mới giải mã được câu hỏi “chuyện gì đã xảy ra với tụi sinh viên Mỹ”. Họ có cả một quy trình rút kinh nghiệm và như ông John Dewey, một triết gia, nhà tâm lý và cải cách giáo dục nổi tiếng của Mỹ có nói:  “Chúng ta không học từ trải nghiệm… Chúng ta học được từ việc phản tư (reflection) dựa trên trải nghiệm”. “Thông qua việc phản tư mà bạn và những sinh viên của bạn sẽ gặt hái được những lợi ích từ những công việc khó khăn của bạn. Thực hiện đúng việc phản tư dẫn dắt sinh viên đến với khoảnh khắc của sự đột phá và đưa việc học lên cấp độ tiếp theo”. (Trung tâm Phục vụ cộng đồng – Đại học Northeastern, Mỹ).

Làm sao để rút kinh nghiệm hiệu quả?

Bác bỏ suy nghĩ lâu nay rằng nên giữ cho buổi họp càng ngắn gọn càng tốt, một buổi làm việc rút kinh nghiệm có thể diễn ra hàng giờ. Vấn đề không nằm ở thời gian, vì khi bạn đã đi sâu kết nối được vào trải nghiệm, khám phá sáng tạo ra những góc nhìn mới về sự việc thì thời gian dường như ngưng lại. Cách đơn giản nhất để có thể học từ các trải nghiệm là dùng câu hỏi 3W:

What? chuyện gì đã xảy ra?

So What? Và khi đó bạn đã làm gì, các bên có những cảm xúc gì, điều gì làm ban suy nghĩ khó chịu hoặc vui thích, những người khác trong nhóm đã làm gì?

Now What? Từ đó bạn có bài học cụ thể gì cho lần sau. Thường thì phần này mọi người sẽ chú trọng vào mặt lý tính, kỹ thuật mà bỏ qua phần cảm xúc. Vì đôi khi chính cảm xúc không ổn định và tiêu cực lại dẫn đến sai sót hay mâu thuẫn. Nếu mình nhận diện ra cảm xúc, kiểm soát nó bằng một cách nào đó (học được từ trải nghiệm) và lần sau áp dụng thì xem như việc học đã đạt hiệu quả.

Bốn nguyên tắc chính của sự phản tư (reflection)

See Also


  • Liên tục: Sự phản tư nên liên tục, diễn ra trước, trong và sau trải nghiệm của người học.
  • Kết nối: Phản tư cung cấp cơ hội để tích hợp việc học tập từ trải nghiệm với nội dung học thuật hoặc phát triển cá nhân, bao gồm cả những cách mà trải nghiệm minh họa các khái niệm, lý thuyết và xu hướng.
  • Thử thách: Phản tư vừa hỗ trợ, vừa thách thức người học tham gia vào các vấn đề bằng việc tư duy phản biện, thúc đẩy họ đặt ra các câu hỏi thú vị, và phát triển các cách giải thích khác cho nhận thức và quan sát ban đầu về trải nghiệm của họ.
  • Bối cảnh: Sự phản tư dựa trên việc phân tích bối cảnh của các vấn đề đang được thảo luận và sắp đặt. Nó diễn ra qua các hình thức và sự bố trí khác nhau.

(Eyler, Giles, & Schmiede, 1996)

Chính vì sau mỗi lần họp reflection, sinh viên hiểu thêm về bản thân, về đồng đội ở mức độ sâu sắc, tình cảm và cảm xúc do đó làm tăng sự hứng thú và cam kết của họ trong hoạt động này. Hơn nữa hình thức các buổi gặp không chỉ dừng ở nghe nói, thầy hỏi trò trả lời mà rất linh hoạt qua các hoạt động nghệ thuật, chia sẻ nhóm, vẽ thơ nhạc… nên càng tăng không gian an toàn thoải mái cho buổi chia sẻ. Càng đào sâu vào những trải nghiệm khó chịu thất bại càng học được nhiều thứ. Đó là cách đào tạo những con người không sợ thất bại và học hỏi không ngừng…

Tham khảo các hình thức reflection khác:

  • Viết: Những phân tích hoặc tài liệu nghiên cứu chính thức yêu cầu sinh viên rút ra kinh nghiệm cộng đồng cùng với bài đọc và bài giảng; nghiên cứu điển hình; tạp chí / blog / diễn đàn online (Blackboard forum); viết sáng tạo; tự đánh giá.
  • Kể: Thuyết trình miệng; các lớp học chính thức hoặc không chính thức hoặc thảo luận nhóm nhỏ; tranh luận; dạy một lớp.
  • Phản hồi: Đọc/quan sát /lắng nghe các tài liệu liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động cộng đồng và rút ra kinh nghiệm về phục vụ trong việc phản hồi. Tài liệu có thể bao gồm: bài giảng khóa học, các nghiên cứu điển hình, tạp chí hoặc tin tức, tài liệu về các đối tác cộng đồng hoặc thành viên cộng đồng, hoặc các hình thức nghệ thuật khác nhau.
  • Hành động: Hoàn thành đồ án tốt nghiệp, thiết kế và thực hiện một dự án kết thúc môn… đóng góp một cái gì đó có lợi cho cộng đồng.

Trung tâm Phục vụ cộng đồng – Đại học Northeastern. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*